NGHỆ THUẬT ĐÀM PHÁN ĐỂ CÓ MỨC LƯƠNG CAO NHẤT


NGHỆ THUẬT ĐÀM PHÁN ĐỂ CÓ MỨC LƯƠNG CAO NHẤT

Tổng quan bài viết

Bạn đã vượt qua các vòng phỏng vấn đầy thử thách, chỉ cần vượt qua một chướng ngại vật nữa bạn sẽ đạt được công việc mơ ước: đó chính là vòng đàm phán lương.

Đây là giây phút quyết định cho tương lai của bạn, vì vậy bạn phải thật tự tin chứng minh mình xứng đáng với công việc này và với mức lương cao nhất.

Nhiều người có tâm lí ngại thương lượng về vấn đề tiền bạc, một số người lại nghĩ hời hợt: mới ra trường nên mức lương ra sao cũng được và chấp nhận tất cả những gì nhà tuyển dụng đề nghị. Bạn nên tránh sai lầm này vì lương là quyền lợi của bạn và để đạt được mức lương mong muốn, thương lượng là điều cần thiết. Hãy nghĩ tới kết quả, nếu bạn chấp nhận mức lương thấp, thấp hơn những gì bạn đáng được hưởng, sau này bạn có thể mắc kẹt giữa vấn đề “cơm áo gạo tiền”, ghen tị với đồng nghiệp, thất vọng với bản thân về sai lầm này… Do đó, hãy mạnh dạn đàm phán mức lương với nhà tuyển dụng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nghệ thuật làm hài lòng nhà tuyển dụng

Nếu bạn đã từng bán một chiếc ô tô hay một đồ vật tương tự, bạn có thể gặp tình huống như sau: Bạn ra giá chiếc xe 60.000 USD. Ai đó đến rồi đi. Một lát sau, anh ta quay lại và nói rằng sẽ mua nó với giá 60.000 USD. Bây giờ bạn cảm thấy tiếc vì bạn nghĩ rằng mình ra giá như thế là quá rẻ.

Nhưng nếu anh ta quay trở lại và nói chỉ lấy nó với giá 55.000 USD, bạn không đồng ý, và nói: Phải ít nhất 60.000 USD bạn mới bán. Cò cưa mãi rồi anh chàng cũng chấp nhận mức giá bạn đưa ra.

Như vậy trong cả hai trường hợp, bạn đều bán ô tô của mình với giá 60.000 USD. Nhưng trong trường hợp đầu, bạn cảm thấy mình bị hớ, còn trường hợp thứ hai bạn lại cảm thấy mình bán được giá. Trường hợp này cũng tương tự như khi bạn đàm phán lương với nhà tuyển dụng. Bạn có thể nâng mức lương lên cao hơn mức nhà tuyển dụng có thể trả cho bạn (nhưng đừng nhiều quá nhé). Nếu nhà tuyển dụng đồng ý với mức này, thì còn gì bằng. Nếu không, bạn có thể hạ mức lương mong muốn xuống bằng với mức nhà tuyển dụng đưa ra. Khi đó nhà tuyển dụng sẽ rất hài lòng.

Đừng tỏ ra quá khiêm tốn khi đưa ra mức lương mong muốn

Bạn vẫn rất quan tâm, yêu thích công việc đó nhưng điều khiến bạn đang do dự là muốn tăng mức thu nhập lên một chút so với nhà tuyển dụng đưa ra. Lúc này, bạn nên thương lượng về tiền lương đầu tiên. Hãy thể hiện thái độ cảm ơn nhà tuyển dụng bởi điều đó khiến người ta có cảm tình với bạn hơn trong quá trình trao đổi. Sau đó, bạn hãy chỉ ra những chức năng công việc mà bạn sẽ đảm nhận, phân tích cho nhà tuyển dụng thấy mức lương mong muốn của bạn là hợp lý so với thị trường công việc trong nước hiện tại.

Khi đã thỏa thuận xong tiền lương, bạn tiếp tục đề cập đến những quyền lợi khác như tiền thưởng, thời gian nghỉ, quyền được mua cổ phiếu ở công ty… Nên nhớ rằng, một cuộc thương lượng về quyền lợi nhiều khi còn kéo dài hơn một cuộc họp quan trọng. Vì thế, bạn hãy thể hiện thái độ kiên nhẫn, biết lắng nghe chứ không phải cứ lắc đầu nguầy nguậy với những gì nhà tuyển dụng đưa ra. Trước khi kết thúc buổi đàm phán, hãy nói rõ cho nhà tuyển dụng những yêu cầu của bạn về trang thiết bị văn phòng, vị trí làm việc của bạn vì điều đó ít nhiều thể hiện khả năng tài chính cũng như thói quen của bạn nơi công sở.

Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn đưa ra mức lương mong muốn, bạn đừng đưa ra mức quá thấp. Như thế, họ có thể sẽ nghi ngờ năng lực làm việc của bạn. Hãy đưa ra mức lương tương đối khá sau khi đã chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người phù hợp nhất với vị trí công việc đó.

Đừng tiết lộ mức lương hiện tại

Bạn có thể nghĩ rằng nói thật sẽ khiến nhà tuyển dụng nâng mức lương lên cao hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng lại không làm vậy. Họ chỉ trả cho bạn mức tương đương hoặc thậm chí thấp hơn với hàng tá lí do khác nhau. Cho nên, bạn cần biết cách kiểm soát tình huống. Hãy cố gắng không thừa nhận một con số cụ thể để có cơ hội đàm phán mức lương mình mong muốn.

Đừng ngại hỏi thêm thông tin

Miễn là bạn tự tin, bạn chẳng có gì để mất khi hỏi nhà tuyển dụng cách để nâng cao thu nhập. Trong một vài trường hợp, một ứng viên xuất sắc có thể nhận mức lương cao hơn 10-20% mức lương cao nhất. Ngoài ra, các nhà quản lý thường bắt đầu bằng mức lương thấp để các ứng cử viên đàm phán rồi nâng dần lên.

Nếu họ cương quyết một mức lương rõ ràng và cố định, bạn có thể đàm phán thêm ở các phương diện khác như tiền thưởng, cơ hội được đào tạo, công tác nước ngoài, các kỳ nghỉ, chế độ đãi ngộ…

Biết điểm dừng

Trong suốt cuộc đàm phán, hãy để ý thái độ của nhà tuyển dụng. Nếu bạn nhận thấy họ thờ ơ với lời đề nghị mới của bạn, tức là lúc bạn nên dừng lại. Đừng đòi hỏi thái quá. Suy cho cùng bạn đang cần việc, và việc đàm phán lương có thể được tiếp tục khi bạn đã vào làm trong công ty

xem thêm:

Tạo một chức năng cơ bản trong excel

https://ketoan68.net/tao-mot-chuc-nang-co-ban-trong-excel/


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.