Định giá doanh nghiệp sử dụng phương pháp định giá tài sản


Khác với quan niệm cùng sự kỳ vọng của nhiều đối tượng, giá trị của doanh nghiêp thông thường không phải là một con số chính xác cụ thể, được hình thành từ một quy trình đánh giá khách quan. Thay vì vậy, giá trị doanh nghiệp nên được xem là kết quả xuất phát từ sự nhìn nhận theo lý lẽ riêng của mỗi bên mua và bên bán. Một phần vì có sự góp mặt của các “lý lẽ riêng” này, dẫn đến việc sẽ không có con số bất di bất dịch nào khi xác định giá trị của công ty, tại một thời điểm, và cho một mục đích định giá cụ thể.

Giá trị doanh nghiệp

Một trong những định nghĩa về giá trị chấp nhận phổ biến nhất, là “Giá trị thị trường của một tài sản là mức giá ước tính sẽ được mua bán trên thị trường vào thời điểm thẩm định giá, giữa một bên là người mua sẵn sàng mua và một bên là người bán sẵn sàng bán, trong một giao dịch mua bán khách quan và độc lập, trong điều kiện thương mại bình thường”.

Các phương pháp định giá

Có nhiều phương pháp định giá và tùy theo những mục đích định giá khác nhau, mà người định giá sẽ xác định giá trị dựa vào ít nhất một phương pháp. Các phương pháp định giá phổ biến cũng như được quy định dùng tại Việt Nam hiện nay gồm:
  1. Phương pháp định giá tài sản
  2. Phương pháp định giá tiếp cận từ thị trường
  3. Phương pháp định giá tiếp cận từ thu nhập.
Các nhà quản trị doanh nghiệp sẽ được nghiên cứu chi tiết về bản chất, ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp trên trong môn F3 – Financial Strategy (Chiến lược tài chính) của chương trình Kế toán quản trị công chứng Anh (CIMA)

Phương pháp định giá tài sản:

Theo phương pháp này, giá trị công ty sẽ được xác định bằng tổng giá trị của từng tài sản. Còn giá trị vốn cổ phần sẽ được xác định dựa trên giá trị tài sản thuần. Theo đó, từng tài sản và nợ sẽ được định giá riêng biệt và hiệu số của tổng tài sản và tổng nợ sau khi định giá lại sẽ chính là giá trị tài sản thuần.

Phương pháp này dựa chủ yếu vào Bảng cân đối kế toán ghi nhận các tài sản thường là ở giá trị sổ sách (giá gốc và/hoặc các ước tính kế toán như dự phòng, khấu hao, hao mòn…). Đối với các tài sản có gốc tiền tệ (như tiền, phải thu, các tài khoản phải trả ngắn hạn v.v…) là các tài khoản có tính thanh khoản cao, việc đánh giá khá đơn giản. Còn các tài khoản như hàng tồn kho, tài sản cố định, các tài sản vô hình thì việc đánh giá sẽ dựa vào các cách tiếp cận sau đây:

(i). Phương pháp tiếp cận chi phí tái tạo hay chi phí thay thế để có hình thành một tài sản/nợ tương đương

(ii). Phương pháp tiếp cận theo thu nhập, dựa vào dòng tiền tương lai do tài sản hay khoản nợ ấy tạo ra

(iii). Phương pháp tiếp cận theo thị trường, xem xét tài sản khoản nợ tương đồng đang được mua bán ngoài thị trường

Các phương pháp (ii) và (iii) sẽ được thảo luận chi tiết tại các bài sau khi mở rộng thảo luận về định giá doanh nghiệp. Đối với phương pháp (i) người định giá cần tính:
  1. Chi phí phát sinh khi tái tạo tài sản tương đương với cùng chung chức năng công dụng
  2. Xác định giá trị khấu hao hay hao mòn đến công năng, hao mòn hay các tổn hại trên bề mặt vật lý
  3. Cấn trừ các chi phí (a) và (b) để ước tính giá trị tài sản.

Nhận xét

Phương pháp này sử dụng phổ biến khi định giá các công ty có hoạt động thua lỗ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục. Phương pháp này cũng có thể dùng khi định giá các công ty bất động sản, công ty đầu tư, hoặc áp dụng khi định giá riêng biệt một tài sản hữu hình hay vô hình.

Tuy nhiên, nhược điểm khi áp dụng phương pháp này nằm ở điểm trên thực tế Bản cân đối kế toán chỉ thể hiện các tài sản hiện hữu. Một số tài sản khác sẽ không được phản ánh trên Bản cân đối kế toán, nhất là tài sản vô hình, như lợi thế thương mại, thương hiệu, danh mục khách hàng và nhà cung cấp v.v… hoặc các khoản nợ tiềm tàng. Điều này dẫn đến tính thiếu chính xác khi định giá công ty, nhất là một công ty đang trong tình trạng hoạt động liên tục bình thường.

Thêm vào đó, nhiều tài sản tài sản và nợ thường khó tách biệt để định giá một cách riêng lẻ. Do đó để xác định được giá trị thị trường của các tài sản hay khoản nợ, chúng ta lại cần định giá theo phương pháp (ii) tiếp cận từ thị trường hay (iii) tiếp cận từ thu nhập để định giá nhóm tài sản nói trên. Cách làm này lại thêm trở ngại, do mỗi công ty có tài sản đặc thù, việc tìm kiếm tài sản tương đương cho phương pháp (ii) là không dễ dàng và cần có kiến thức chuyên môn để thẩm định giá tài sản và dự báo dòng tiền cho phương pháp (iii) sẽ hạn chế về mặt thông tin để đưa ra giả định và lập dự báo.

Phương pháp định giá tài sản thường dùng để định hướng được giá trị kỳ vọng thấp nhất hay còn gọi là giá sàn của công ty. Do vậy, khi thực hiện định giá doanh nghiệp, người định giá có thể kết hợp thực hiện thêm các phương pháp khác để kiểm chứng và so sánh kết quả với giá trị thấp nhất (được định giá theo phương pháp tài sản).

Lê Thị Thanh Tâm

ACCA, Giảng viên CIMA của FTMS

Nguồn tham khảo:

  1. Các tài liệu về định giá của GS. Damodaran, ĐH Stern
  2. Các chuẩn mực định giá quốc tế do Ủy ban IVSC ban hành, bản cập nhật 2017
  3. Các chuẩn mực định giá của Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành theo thông tư 126/2015/TT-BTC ngày 20 tháng 8 năm 2015
  4. Tài liệu môn F3 – Financial Strategy của Hiệp hội Kế toán quản trị công chứng Anh Quốc CIMA

——————-

CIMA (Chartered Institute of Management Accountants) – Hiệp hội Kế toán quản trị công chứng Anh Quốc. Hoàn thành chương trình CIMA, học viên sẽ gia nhập vào Hiệp hội nghề nghiệp Kế toán Quản trị CIMA với hơn 600.000 hội viên và học viên, cùng lúc nhận được danh hiệu CGMA (Chartered Global Management Accountant) – Kế toán Quản trị Công chứng Toàn cầu – do CIMA và Viện Kế toán Công chứng Hoa Kỳ (AICPA) đồng sáng lập. Chức danh CGMA nâng cao ngành nghề kế toán quản trị, và được công nhận trên thế giới là chứng chỉ tài chính phù hợp nhất cho kinh doanh.

Ngay trong tháng 5/2018, FTMS tổ chức hội thảo & học thử CIMA P1 – Kế toán quản trị doanh nghiệp. Tham gia buổi này, các anh/chị sẽ được giải đáp mọi thắc mắc về chương trình CIMA và trải nghiệm tiết học thực tế môn P1 – Kế toán quản trị doanh nghiệp.

Hội thảo & học thử CIMA P1 – Kế toán quản trị doanh nghiệp► Thời gian: 18g30 thứ Ba ngày 15/5/2018

► Địa điểm: Tầng 3 tòa nhà Itaxa, 126 Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3, TP.HCM

► Link đăng ký: https://goo.gl/E855wy


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.