Hạch toán chi phí lãi vay – những vấn đề cần lưu ý


Lãi vay là một khoản tiền phát sinh từ việc cho vay, được tính dựa trên số tiền vay và lãi suất. Mức trần lãi suất hợp pháp hiện nay là 20%, áp dụng từ 1/1/2017 (Khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13). Trước 2017, mức trần lãi suất được tính không quá 1,5 lần so với lãi suất cơ bản đồng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Một khoản nợ vay ngân hàng nếu không trả hoặc trả không đủ nợ gốc và lãi thì lãi tiền vay sẽ bao gồm:

1) Lãi gốc;
2) Lãi chậm trả, không quá 10%/năm;
3) Lãi quá hạn, khoảng 1,5 lần lãi cho vay, tính từ thời điểm quá hạn

Việc hạch toán chi phí lãi vay hiện có rất nhiều những trường hợp đặc thù đã được ngành Thuế hướng dẫn chi tiết

Tổng quan bài viết

1. Chi phí lãi vay của chủ DNTN có được hạch toán?

Bộ Tài chính cho rằng trường hợp cá nhân là chủ DNTN (cũng là người ĐDPL) tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp, đã góp đủ vốn đầu tư theo đăng ký, có thực hiện vay vốn ngân hàng theo hướng dẫn tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN , nếu khoản chi phí lãi vay mà chủ DNTN đã trả liên quan đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp và có đủ chứng từ theo quy định thì được hạch toán vào chi phí hợp lý.

( ngày 25/4/2017)

2. Chi phí của năm trước không được tính vào năm sau

Dựa theo nguyên tắc “các khoản chi phải tương ứng với doanh thu tính thuế” (Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC), Cục Thuế TP. HCM cho rằng các khoản chi phí hợp tác kinh doanh, chi phí lãi vay phát sinh trong những năm trước không được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của năm hiện hành.

( ngày 25/4/2017)

3. Chi phí lãi vay hạch toán theo năm phát sinh hay năm thực trả?

Theo Cục thuế TP.HCM, đối với chi phí lãi vay (không phân biệt vay ngân hàng hay vay ngoài ngân hàng) sẽ được hạch toán vào năm phát sinh chi phí lãi vay đó, không hạch toán vào năm thực trả.

( ngày 13/4/2017)

4. Được phép vay trả lãi cho các khoản nợ của công trình xây dựng

Khoản 5 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN cấm cho vay đảo nợ.

Tuy nhiên, không cấm vay nhằm mục đích trả lãi cho các khoản vay trong quá trình thi công các công trình xây dựng, với điều kiện các khoản lãi vay này đã tính vào dự toán dự toán của công trình xây dựng

(

ngày 30/12/2016)

5. Từ 2017, trần lãi suất cho vay giới hạn ở mức 20%/năm

Kể từ ngày 1/1/2017, Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 đã có hiệu lực. Khoản 1 Điều 468 Bộ Luật này cho phép các bên vay và cho vay tự thỏa thuận lãi suất vay, tuy nhiên không vượt quá 20%/năm.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn quy định tại Khoản 1 Điều 468 nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

So với quy định trước đó tại Khoản 1 Điều 476 Bộ Luật số 33/2005/QH11 , lãi suất vay được khống chế không quá 1,5 lần so với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

(ngày 24/11/2015)

6. Từ 2015, cho phép hạch toán lãi vay khoản vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác

Theo quy định mới tại khoản 6.e Điều 1 Nghị định 12/2015/NĐ-CP và khoản 2.18 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC , kể từ năm 2015, khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác (sau khi đã góp đủ vốn điều lệ) được chấp nhận là chi phí hợp lý.

Trước năm 2015, thực hiện theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP và Thông tư 78/2014/TT-BTC , chi phí lãi vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác không được xem là chi phí hợp lý, cho dù doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ. Khoản chi này chỉ được tính vào giá vốn khi xác định thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn.

( ngày 2/12/2016)

7. Đã góp đủ vốn điều lệ, chi phí lãi vay được hạch toán toàn bộ

Theo quy định tại khoản 2.18, 2.31 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC , nếu đã góp đủ vốn điều lệ thì chi phí lãi vay nhằm mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh (trừ mục đích đầu tư xây dựng cơ bản) đều được hạch toán toàn bộ vào chi phí hợp lý.

( ngày 28/11/2016)

8. Từ 2015, sửa đổi cách tính chi phí lãi vay trong thời gian chưa góp đủ vốn điều lệ

Liên quan đến cách xác định chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế TNDN do chưa góp đủ vốn điều lệ, kể từ năm 2015 đã có thay đổi so với giai đoạn trước đó.

Theo quy định tại khoản 2.16 Điều 6 Thông tư 123/2012/TT-BTC và khoản 2.18 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC , trước năm 2015, đối với trường hợp doanh nghiệp chưa góp đủ vốn điều lệ thì chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế TNDN là “khoản chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn”.

Tuy nhiên, kể từ năm 2015, khoản 2.18 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC đã sửa đổi cách xác định chi phí lãi vay không được trừ theo hướng như sau:

– Nếu số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay không được trừ.
– Nếu số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu và doanh nghiệp đồng thời phát sinh nhiều khoản vay thì chi phí lãi vay không được trừ sẽ bằng tỷ lệ % giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng tiền vay nhân (x) tổng lãi vay.
– Nếu số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu và doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay thì chi phí lãi vay không được trừ sẽ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.

( ngày 7/11/2016)

9. Lãi vay trong quá trình xây dựng cơ bản không được tính vào chi phí SXKD

Đối với chi phí lãi vay phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, doanh nghiệp phải tính vào giá trị đầu tư, không hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.

(ngày 19/10/2016)

10. Cách xác định chi phí lãi vay bị xuất toán tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu

Theo quy định tại điểm 2.18 khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC , trường hợp doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay với mức lãi suất và kỳ hạn khác nhau, tổng số tiền vay vượt quá số vốn điều lệ còn thiếu thì chi phí lãi vay không được trừ được xác định bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay.

Trường hợp doanh nghiệp chỉ phát sinh 01 khoản vay thì chi phí lãi vay không được trừ được xác định bằng số vốn điều lệ còn thiếu (x) lãi suất của khoản vay (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu.

( ngày 13/10/2016)

11. Vay vốn nước ngoài không bị khống chế mức trần lãi suất

Theo quy định tại điểm 2.17 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ), doanh nghiệp chỉ được hạch toán chi phí lãi vay ngoài ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh nếu không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Tuy nhiên, theo Cục thuế TP. Hà Nội, quy định trên đây không áp dụng đối với khoản vay ngoại tệ từ Công ty mẹ nước ngoài. Theo đó, trường hợp Công ty có các khoản vay bằng ngoại tệ từ Công ty mẹ nước ngoài để phục vụ hoạt động SXKD, khoản vay này đã đăng ký và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì được hạch toán vào chi phí hợp lý theo hóa đơn chứng từ, không bị khống chế trong hạn mức 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Cần lưu ý, đối với lãi vay trả cho Công ty mẹ nước ngoài, Công ty có trách nhiệm khấu trừ, kê khai và nộp thay thuế nhà thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 103/2014/TT-BTC.

(ngày 29/8/2016)

12. Lập hóa đơn trễ, chi phí lãi vay vẫn được chấp nhận

Theo nguyên tắc, Bên cho vay phải lập hóa đơn khi thu tiền lãi của Bên đi vay.
Tuy nhiên, Cục thuế TP.HCM vẫn cho phép Bên đi vay được hạch toán chi phí lãi vay ngay cả trong trường hợp Bên cho vay lập hóa đơn không đúng thời điểm. Đồng thời, chỉ phía Bên cho vay mới bị xử phạt, Bên đi vay không bị phạt.

( ngày 28/7/2016)

13. Vay vốn của cá nhân, chi phí lãi vay chỉ được chấp nhận tối đa 150% lãi suất cơ bản

Theo quy định tại khoản 2.17 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC , trường hợp Công ty vay vốn của cá nhân để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì chi phí lãi vay chỉ được hạch toán không quá 150% mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố tại thời điểm vay.
Đồng thời, khi trả tiền lãi, Công ty phải khấu trừ thuế TNCN từ đầu tư vốn với tỷ lệ 5% trên số tiền lãi chi trả.

( ngày 8/7/2016)

14. Được hạch toán lãi vay hỗ trợ cho người lao động mua hàng

Doanh nghiệp nếu có ký thỏa thuận với Ngân hàng để thực hiện chương trình hỗ trợ người lao động khoản lãi vay mua hàng hóa, dịch vụ thì chi phí này cũng được chấp nhận, nhưng phải có hóa đơn.

(

ngày 9/6/2016)

15. Không có chứng từ góp vốn của nhà đầu tư, chi phí lãi vay bị xuất toán

Mặc dù doanh nghiệp thực tế có phát sinh chi phí lãi vay để thực hiện dự án bất động sản, nhưng nếu không xuất trình được chứng từ góp vốn của các nhà đầu tư, đồng thời chi phí đầu tư thực hiện dự án BĐS của doanh nghiệp chưa vượt quá mức vốn điều lệ đã đăng ký thì khoản chi phí lãi vay này sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN.
( ngày 19/4/2016)

16. Lãi vay thanh toán cho tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có hóa đơn

Theo quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC , doanh nghiệp chỉ được hạch toán các chi phí phát sinh khi có đủ hóa đơn, chứng từ.

Mặt khác, theo Thông tư 39/2014/TT-BTC , đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT thì người bán vẫn phải lập hóa đơn.

Vì vậy, tuy lãi tiền vay thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng doanh nghiệp vẫn phải có hóa đơn mới được hạch toán vào chi phí hợp lý.

( ngày 30/10/2015)

17. Từ 2015, lãi vay góp vốn vào doanh nghiệp khác được chấp nhận

Theo sửa đổi Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC , kể từ kỳ tính thuế 2015, nếu doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ thì lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác cũng được chấp nhận là chi phí hợp lý.

Theo đó, trường hợp sau khi góp đủ vốn điều lệ, doanh nghiệp có vay tiền để đầu tư vào doanh nghiệp khác (bao gồm cả Công ty con) thì chi phí lãi vay này vẫn được chấp nhận

( ngày 26/10/2015)

18. Thanh toán lãi vay cho cá nhân không cần hóa đơn

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2014/TT-BTC , cơ quan thuế không cấp hóa đơn cho cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Hoạt động cho vay riêng lẻ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (tiết b khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC ). Theo đó, cơ quan thuế sẽ không cấp hóa đơn cho cá nhân không kinh doanh có hoạt động cho vay tiền
Vì vậy, đối với chi phí lãi vay thanh toán cho cá nhân không kinh doanh, doanh nghiệp không bắt buộc phải có hóa đơn. Trường hợp này chỉ cần đáp ứng các điều kiện: doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, khoản vay dùng cho SX-KD, lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của NHNN, có hợp đồng vay và chứng từ thanh toán

(ngày 16/10/2015)

19. Các điều kiện hạch toán chi phí lãi vay trả cho cá nhân

Nếu doanh nghiệp có phát sinh chi phí lãi vay phải trả cho cá nhân thì cần lưu ý các điều kiện sau đây để được hạch toán:

1. Phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh;
2. Có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp;
3. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (nếu giá trị từ 20 triệu đồng trở lên);
4. Lãi suất không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước;
5. Đã góp đủ vốn điều lệ theo giấy phép đăng ký kinh doanh.

(

ngày 9/7/2015)

Nguồn: Luật Việt Nam


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.