Điểm hòa vốn trong phân tích rủi ro dự án đầu tư


Tác giả: Nguyễn Mạnh Hiền

Phân tích rủi ro là một phần việc quan trọng trong việc đánh giá các dự án đầu tư. Để phân tích các rủi ro người ta có thể sử dụng các công cụ như phân tích độ nhạy, phân tích hòa vốn, phân tích mô phỏng Monte Carlo. Bài viết này bàn luận về việc sử dụng kỹ thuật phân tích điểm hòa vốn trong việc phân tích rủi ro của dự án đầu tư.

Phân tích điểm hòa vốn rất quan trọng trong việc đánh giá rủi ro của dự án đầu tư. Hầu hết các nhà quản lý đều lo ngại về việc thua lỗ. Phân tích hòa vốn sẽ chỉ ra cho thấy lượng bán hay doanh thu có thể giảm được bao nhiêu trước khi phát sinh lỗ. Phương pháp này sẽ xác định doanh thu hay sản lượng cần thiết để dự án hòa vốn. Điểm hòa vốn có thể được tính theo kế toán hoặc tính theo giá trị hiện tại. Phần dưới đây bàn luận về việc tính toán và sử dụng cũng như các ưu điểm và hạn chế của điểm hòa vốn kế toán và điểm hòa vốn theo giá trị hiện tại.

Điểm hòa vốn kế toán

Điểm hòa vốn kế toán là điểm mà tại đó doanh thu của công ty vừa đủ bù đắp các chi phí kế toán. Các chi phí kế toán của công ty gồm biến phí và định phí. Biến phí là các chi phí mà xét về tổng số chúng biến đổi tỷ lệ thuận với sản lượng như chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và chi phí nhân công trực tiếp. Định phí là các chi phí mà xét về tổng số chúng không thay đổi khi sản lượng thay đổi. Định phí thường bao gồm các khoản như tiền thuê nhà xưởng, thiết bị, tiền lương của các nhà quản lý, …Chi phí khấu hao tài sản cố định theo phương pháp đường thẳng cũng là định phí vì chi phí này không phụ thuộc vào sản lượng như trong phân tích hòa vốn ở đây được tách ra khỏi định phí. Như vậy định phí trong phân tích này sẽ không bao gồm chi phí khấu hao tài sản cố định. Ta đặt các biến như sau:
P = Đơn giá bán
v = Biến phí đơn vị
Q = Sản lượng bán
S = Doanh thu = P x Q
VC = Tổng biến phí = v x Q
FC = Định phí (Không bao gồm khấu hao TSCĐ)
D = Chi phí khấu hao tài sản cố định
t = Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Thu nhập thuần của dự án được tính bằng:

P = (Doanh thu – Tổng biến phí – Định phí – Chi phí khấu hao)
v = x ( 1 – Thuế suất thuế TNDN)
= (S – VC – FC – D) x (1 – t)

Tại điểm hòa vốn lợi nhuận bằng 0 nên ta có:

0 = (S – VC – FC – D) x (1 – t)

Chia cả hai vế cho (1-t) ta có:

(P – v) x Q – FC – D = 0
(P – v) x Q  =  FC + D

Do đó sản lượng hòa vốn là:

Q = (FC + D) / (P – v)                                               (1)
 
Trong đó: Giá bán đơn vị – Biến phí đơn vị = P – v còn được gọi là số dư đảm phí đơn vị hay phần đóng góp đơn vị, là mức đóng góp vào lợi nhuận từ việc bán một đơn vị sản phẩm.

Giả sử công ty A đang xem xét đầu tư vào một dự án phát triển một sản phẩm mới với vốn đầu tư ban đầu vào thiết bị là 4.000 triệu đồng, thời gian của dự án là 5 năm, đơn giá bán 1 sản phẩm là 2 triệu đồng, biến phí đơn vị là 1 triệu đồng, định phí hàng năm (chưa bao gồm khấu hao tài sản cố định) là 1.500 triệu đồng, công ty khấu hao thiết bị đầu tư vào dự án theo phương pháp đường thẳng trong 5 năm và thiết bị không có giá trị tận dụng. Như vậy chi phí khấu hao thiết bị hàng năm là 4.000 / 5 = 800 triệu đồng. Áp dụng công thức (1) thì sản lượng hòa vốn kế toán của công ty là:

                                        Q = (1.500 + 800) / (2 – 1) = 2.300 sản phẩm.

Phân tích điểm hòa vốn kế toán có ưu điểm là đơn giản, dễ tính toán nhưng nó lại bỏ qua chi phí cơ hội của vốn đầu tư. Do đó một dự án hòa vốn về mặt kế toán sẽ gây tổn thất cho công ty vì chưa tính đầy đủ các chi phí của dự án, bao gồm các chi phí cơ hội của vốn đầu tư và do đó nếu dự án hòa vốn theo kế toán thì sẽ có NPV âm. Phân tích hòa vốn theo giá trị hiện tại sẽ khắc phục được hạn chế này của điểm hòa vốn kế toán.

Điểm hòa vốn theo giá trị hiện tại

Điểm hòa vốn theo giá trị hiện tại là điểm hòa vốn mà tại đó NPV của dự án bằng 0. Do chi phí khấu hao tài sản cố định không làm phát sinh dòng tiền nên chi phí này không được tính vào dòng tiền chi của dự án. Khoản đầu tư ban đầu vào dự án và chi phí cơ hội của việc sử dụng vốn có thể được biểu diễn thành chi phí tương đương hàng năm (Equivalent Annual Cost – EAC) như sau:

Chi phí tương đương hàng năm = Vốn đầu tư ban đầu / Hệ số hiện giá của dòng tiền.

Giả sử dự án mà công ty A đang xem xét có chi phí sử dụng vốn là 15% thì chi phí tương đương hàng năm sẽ bằng:

EAC = Vốn đầu tư ban đầu / Hệ số hiện giá của dòng tiền đều 5 năm, lãi suất 15%

            = 4.000 / 3,3522 = 1.193,246 (triệu đồng)

Khi phân tích điểm hòa vốn theo giá trị hiện tại thì các dòng tiền thu và chi cần xác định ảnh hưởng của thuế thu nhập doanh nghiệp. Tại điểm hòa vốn ta có phương trình:

(Doanh thu – Biến phí – Định phí – Khấu hao) x (1 – Thuế suất thuế TNDN) + Khấu hao – Chi phí tương đương hàng năm = 0

Hay:

(P x Q – v x Q – FC) x (1 – t) – D x t – EAC = 0

(P – v) x Q  – FC x (1 – t) – D x t – EAC = 0

Q = [EAC + FC x (1 – t) – D x t] / (P – v) x (1 – t)                                  (2)

Có thể diễn giải công thức (2) theo cách thức khác như sau: Tại điểm hòa vốn, số dư đảm phí sau thuế hàng năm là Q x (P – v) x (1 – t) phải đủ bù đắp chi phí tương đương hàng năm (EAC) và định phí sau thuế hàng năm, còn khoản lá chắn thuế do khấu hao được trừ đi để làm giảm tổng chi phí sau thuế hàng năm:

Q x (P – v) x (1 – t) = EAC + FC x (1 – t) + D x t

Vận dụng công thức (2) vào trường hợp của công ty A, giả sử thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% ta có sản lượng hòa vốn của dự án đang xem xét là:

Q = [1.193,246 + 1.500 x (1- 20%) – 800 x 20%]/(2 – 1)x(1 – 20%)= 2.792 sản phẩm

Như vậy để công ty hòa vốn theo giá trị hiện tại thì công ty phải bán 2.792 sản phẩm mỗi năm, trong khi điểm hòa vốn kế toán chỉ là 2.300 sản phẩm. Tại sao điểm hòa vốn kế toán lại khác với điểm hòa vốn tài chính? Khi chúng ta tính điểm hòa vốn kế toán, chúng ta dùng lợi nhuận kế toán là cơ sở tính toán và trừ chi phí khấu hao mỗi năm là 800 triệu đồng. Nếu công ty bán 2.300 sản phẩm mỗi năm thì công ty sẽ tạo ra doanh thu để đủ bù đắp chi phí khấu hao 800 triệu đồng và các chi phí hoạt động khác. Tuy nhiên tại mức hoạt động này công ty A chưa bù đắp được chi phí cơ hội của khoản đầu tư ban đầu 4.000 triệu đồng. Nếu chúng ta xem xét đến chi phí cơ hội của khoản đầu tư thì chi phí hàng năm của khoản đầu tư là 1.193,246 triệu đồng chứ không phải là 800 triệu đồng. Chi phí khấu hao phản ánh thiếu các chi phí thực sự để thu hồi khoản đầu tư ban đầu và do vậy nếu công ty tính điểm hòa vốn của dự án theo kế toán, công ty sẽ bị tổn thất về mặt tài chính.

Phân tích điểm hòa vốn là một kỹ thuật rất hữu ích trong việc đánh giá rủi ro của dự án đầu tư. Các nhà quản lý thường sử dụng điểm hòa vốn theo kế toán để đánh giá rủi ro của dự án vì cách tính toán này khá đơn giản và dễ áp dụng. Tuy nhiên việc sử dụng điểm hòa vốn kế toán bỏ qua chi phí cơ hội của khoản đầu tư và công ty sẽ bị tổn thất ở mức sản lượng hòa vốn theo quan điểm kế toán. Điểm hòa vốn tài chính tính đến chi phí cơ hội của vốn đầu tư và do vậy nó phản ánh chính xác hơn điểm hòa vốn kế toán.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.