Huyện Như Thanh sử dụng lao động theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”?
Hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo các huyện Yên Định, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) vừa bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong việc tuyển dụng lao động. Người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc không khó để nhận ra những tác động có phần tiêu cực về mặt dư luận, xã hội, đời sống của người lao động từ những quyết định tuyển dụng sai trái đó. Những tưởng câu chuyện nói trên sẽ trở thành bài học quý báu cho các đơn vị khi tuyển dụng, sử dụng lao động, thế nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Câu chuyện lãnh đạo huyện Như Thanh đối xử với người lao động theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”, sau hàng chục năm họ lao tâm khổ tứ, cống hiến cho ngành giáo dục huyện là một minh chứng điển hình cho thấy cách sử dụng lao động có vấn đề của lãnh đạo huyện này.
|
Quyết định về việc thỏa thuận hợp đồng kế toán trường Mầm non do ông Lê Minh Giao – Chủ tịch huyện Như Thanh Ký (ông Giao hiện đã nghỉ hưu theo chế độ). Ảnh do người lao động cung cấp. |
|
Sau ông Lê Minh Giao, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch huyện Như Thanh cũng ký hàng loạt quyết định lao động có dấu hiệu trái pháp luật, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động. Ảnh do người lao động cung cấp. |
Cụ thể, vào khoảng tháng 5/2017, hàng chục kế toán Mầm non Như Thanh (Thanh Hóa) có thâm niên công tác cả chục năm bỗng rơi vào cảnh mất việc.
Trước đó, Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh ra quyết định số 3259/QĐ-UBND về việc hủy quyết định thỏa thuận hợp đồng giáo viên, kế toán trường năm học 2015-2016 theo chỉ đạo chung của tỉnh Thanh Hóa.
Đáng chú ý, quyết định này được ban hành tại thời điểm mà cách đó ít ngày hàng loạt các thỏa thuận lao động giữa huyện và các kế toán Mầm non do ông Chủ tịch huyện ký còn chưa ráo mực.
Trớ trêu thay, mặc dù các lao động có thâm niên công tác hàng chục năm nhưng không được đáp ứng về chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Thay vào đó, cá nhân người lao động phải chịu trách nhiệm về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp. Hay nói cách khác, người lao động nếu muốn có quyền lợi, phải bỏ tiền túi để đóng các loại bảo hiểm.
|
Uất ức vì bị đẩy ra đường một cách không thương tiếc, nhiều cựu kế toán Mầm non Như Thanh đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác minh, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo huyện trong việc sử dụng lao động có dấu hiệu trái luật; trả lại quyền lợi Bảo hiểm cho người lao động.
Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều tháng mất việc, quyền lợi của người lao động vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Đáng chú ý, việc sử dụng lao động có dấu hiệu trái quy định của lãnh đạo huyện này diễn ra trong một thời gian dài từ năm 2007 đến năm 2017 nhưng thiếu sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của cấp có thẩm quyền, và cũng chưa có bất cứ một cá nhân, tổ chức nào đứng ra chịu trách nhiệm về việc này.
"Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, giải quyết quyền lợi chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động từ năm 2007 đến nay.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần có chỉ đạo làm rõ, xử lý trách nhiệm trước những dấu hiệu vi phạm đối với ông Lê Minh Giao, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh; ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Như Thanh trong việc sử dụng lao động có dấu hiệu trái quy định", chị Đ.T., cựu kế toán Mầm non trên địa bàn huyện Như Thanh kiến nghị.
Chủ tịch, nguyên Chủ tịch huyện Như Thanh phạm luật?
Một cán bộ (xin giấu tên) đang công tác trong ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 4/2 xung quanh vụ việc nói trên:
"Theo Bộ Luật lao động, hình thức giao ước giữa lao động và người sử dụng lao động phải bằng hợp đồng lao động.
Khi hai bên đã có giao ước, có thanh toán tiền lương, tiền công lao động thì người sử dụng lao động phải đảm bảo quyền lợi Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc cho người lao động.
Việc đơn vị sử dụng lao động không có hợp đồng lao động, trong khi đó cá nhân người lao động phải chịu trách nhiệm về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là trái luật.
Nếu người ta căn cứ vào quyết định thỏa thuận lao động nêu trên để sử dụng lao động (không đóng bảo hiểm-PV) thì luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế... còn tác dụng gì nữa.
Do đó, quyết định thỏa thuận lao động theo hình thức nêu trên là trái luật. ", vị chuyên gia cho biết và tỏ ra bất ngờ với cái gọi là "quyết định thỏa thuận hợp đồng" giữa huyện Như Thanh và người lao động.
|
Hàng chục lá đơn khiếu nại đã được gửi đi, nhưng quyền lợi của người lao động thì vẫn chưa được giải quyết rứt điểm, đúng quy định pháp luật. Ảnh: DU THIÊN. |
Vị chuyên gia này cho rằng, trách nhiệm để xảy ra vi phạm nêu trên trước tiên thuộc về người sử dụng lao động.
"Trong trường hợp người lao động có đơn đề nghị không đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động cũng không được làm như vậy.
Hành vi trên có dấu hiệu trốn đóng bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp này, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc thì họ sẽ không chấp nhận hình thức thỏa thuận lao động như vậy.
Chắc chắn đơn vị sử dụng lao động sẽ bị xử phạt theo quy định, thậm chí trong một số trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, người lao động có quyền khiếu nại ra tòa để được giải quyết thỏa đáng", vị chuyên gia cho biết.